Ngân hàng sữa mẹ

Ngân hàng sữa mẹ được thiết lập tại các cơ sở y tế nhằm vận động hiến tặng sữa mẹ từ những bà mẹ khỏe mạnh đang cho con bú, sàng lọc và thanh trùng sữa mẹ hiến tặng để đảm bảo cung cấp sữa mẹ an toàn cho mọi trẻ sơ sinh vì lý do bất khả kháng mà không có cơ hội bú mẹ ruột, giúp trẻ có sức khỏe tối ưu.

Sữa mẹ cung cấp mọi dinh dưỡng cần thiết cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phát triển. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính rằng sữa mẹ là giải pháp có thể phòng ngừa hơn 800.000 ca tử vong mỗi năm ở trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ kém may mắn không được tiếp cận với sữa của mẹ ruột, đặc biệt khi trẻ đẻ non, nhẹ cân, bệnh lý hay suy dinh dưỡng nặng cần điều trị cách ly, hoặc bà mẹ gặp vấn đề sức khỏe không thể cho con bú trực tiếp.

Khi sữa mẹ ruột không có sẵn, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sữa mẹ hiến tặng là lựa chọn tối ưu để nuôi dưỡng trẻ nhỏ.
Lợi ích của sữa mẹ hiến tặng thanh trùng với nhóm trẻ dễ bị tổn thương
Giảm tỷ lệ bệnh lý nghiêm trọng
Tăng khả năng hồi phục
Thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ

Giảm tỷ lệ bệnh lý nghiêm trọng

Trẻ được ăn sữa mẹ hiến tặng thanh trùng được chứng minh là giảm ba lần viêm ruột hoại tử so với trẻ được cho ăn bằng sữa công thức. Đồng thời sữa mẹ hiến tặng thanh trùng giảm 19% nguy cơ nhiễm trùng sơ sinh muộn ở nhóm trẻ dễ bị tổn thương, nhẹ cân trong 28 ngày đầu đời so với sữa công thức. Sữa mẹ hiến tặng thanh trùng còn giúp trẻ giảm tỷ lệ bệnh xơ hóa phổi, xuất huyết não nặng.

Trẻ được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ sẽ giảm tỷ lệ mắc bệnh so với trẻ dùng sữa công thức, từ đó khỏe mạnh hơn và giảm được nhiều chi phí điều trị khác trong tương lai. Nhờ có sự tồn tại của ngân hàng sữa mẹ mà chất lượng y tế được nâng cao, các chi phí chi trả cho hoạt động khám chữa bệnh được cắt giảm.

Tăng khả năng hồi phục

Sữa mẹ hiến tặng thanh trùng giúp giảm thời gian nằm viện 15 ngày và giảm thời gian nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn tới 10 ngày so với sữa công thức. Trẻ đẻ non nuôi dưỡng bằng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng có khả năng dung nạp tốt hơn, ít nôn, ít ứ sữa, và giảm tiêu chảy so với trẻ nuôi bằng sữa công thức.

Thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ

Ngân hàng sữa mẹ không nhằm thay thế mà chỉ là một giải pháp điều trị và nuôi sống trẻ khi trẻ chưa thể tiếp cận sữa mẹ ruột. Sữa mẹ hiến tặng thanh trùng chỉ được cung cấp theo chỉ định của cán bộ y tế và được tái đánh giá hàng ngày. Song song với đó, ngân hàng sữa mẹ có trách nhiệm tư vấn và hỗ trợ người mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, và dừng chỉ định sữa mẹ thanh trùng ngay khi trẻ có thể bú mẹ. Nhờ đó, tỷ lệ người mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn lúc ra viện tăng 10% tại đơn vị hồi sức kể từ khi có ngân hàng sữa mẹ.
bai-dang-highlight

Sứ mệnh

Trao nguồn sữa mẹ hiến tặng thanh trùng an toàn để trẻ chống chọi bệnh tật và phát triển tối ưu.
bai-dang-highlight
bai-dang-highlight

Tầm nhìn

Một Việt Nam nơi mọi trẻ em sinh ra đều được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ.

Tôn chỉ hoạt động

An toàn
Nhân đạo
Phi lợi nhuận

An toàn

Mạng lưới ngân hàng sữa mẹ Việt Nam tuân thủ quy trình xử lý sữa theo tiêu chuẩn của thế giới nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sơ sinh non yếu cần sự chăm sóc đặc biệt. Sữa được tuyển chọn từ những bà mẹ khỏe mạnh và được sàng lọc cả trước và sau thanh trùng để loại bỏ mọi nguy cơ lây nhiễm và duy trì các chất dinh dưỡng thiết yếu trong sữa mẹ.

Nhân đạo

Sữa mẹ là nguồn sống không thể thay thế của trẻ sơ sinh, nhưng nhiều trẻ sơ sinh non yếu không có cơ hội ăn sữa mẹ ruột. Mạng lưới ngân hàng sữa mẹ cung cấp giải pháp nhằm cứu sống trẻ trong những điều kiện ngặt nghèo này. Các bà mẹ hiến tặng sữa trên tinh thần hoàn toàn tự nguyện và không vì lợi ích cá nhân, nhằm trao đi dinh dưỡng tốt nhất để những trẻ kém may mắn có cơ hội phục hồi và phát triển.

Phi lợi nhuận

Ngân hàng sữa mẹ hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận. Phí dịch vụ mà gia đình bệnh nhi cần chi trả khi sửa dụng sữa được tính toán ở mức tối thiểu, nhằm duy trì các hoạt động thu thập, xử lý và phân phối sữa mẹ tới những trẻ cần nhất.

Dấu ấn

dau-an
Sau bảy năm hoạt động, mạng lưới ngân hàng sữa mẹ đã thu nhận sữa từ 6.000 bà mẹ hiến tặng, cung cấp cho hơn 70.000 trẻ sơ sinh.
Mỗi bà mẹ hiến tặng trung bình 25 lít sữa
Mỗi bà mẹ hiến tặng trung bình 25 lít sữa.
Tỷ lệ sữa đạt chất lượng vi sinh ngày càng cải thiện
Tỷ lệ sữa đạt chất lượng vi sinh ngày càng cải thiện, từ 74% (2017) lên 95% (2022).
Chưa ghi nhận trường hợp sử dụng sữa có biến cố bất lợi
Chưa ghi nhận trường hợp sử dụng sữa có biến cố bất lợi.

Mạng lưới

ngan-hang-sua-me-benh-vien-nhi-trung-uong

Ngân hàng Sữa mẹ Bệnh viện Nhi Trung ương

Địa chỉ: 18/879 La Thành, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội

Điện thoại liên hệ: 0912 224 461 | Facebook

Năm khai trương: 2021

Ngân hàng Sữa mẹ Bệnh viện Nhi Trung ương là ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại thủ đô Hà Nội.
ngan-hang-sua-me-benh-vien-san-nhi-quang-ninh

Ngân hàng Sữa mẹ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh

Địa chỉ: Tầng 2, Nhà E, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, phường Đại Yên, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh

Điện thoại liên hệ: 0985 290 115 | Facebook

Năm khai trương: 2020

Ngân hàng Sữa mẹ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh là ngân hàng sữa mẹ thứ ba được đi vào vận hành tại Việt Nam.
ngan-hang-sua-me-ve-tinh-benh-vien-quang-tri

Ngân hàng Sữa mẹ Vệ tinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị

Địa chỉ: 266 Hùng Vương, phường Đông Lương, TP. Đông Hà, tỉnh Quảng Trị

Điện thoại liên hệ: 0814 855 446 | Facebook

Năm khai trương: 2024

Ngân hàng Sữa mẹ Vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị là ngân hàng sữa mẹ mới nhất được thành lập. Trong giai đoạn hiện tại, ngân hàng đang triển khai cung cấp sữa cho nhóm trẻ sơ sinh non yếu, và sẽ hoàn thiện quy trình để thu nhận sữa hiến tặng từ các bà mẹ trong thời gian tới.
ngan-hang-sua-me-benh-vien-phu-san-nhi-da-nang

Ngân hàng Sữa mẹ Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng

Địa chỉ: 402 Lê Văn Hiến, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng

Điện thoại liên hệ: 0236 3957 177 | Facebook

Năm khai trương: 2017

Ngân hàng Sữa mẹ Đà Nẵng là ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam. Ngoài cung cấp sữa mẹ hiến tặng thanh trùng cho đơn nguyên sơ sinh tại Bệnh viện, Ngân hàng Sữa mẹ Đà Nẵng còn cung cấp cho vệ tinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị.
ngan-hang-sua-me-ve-tinh-benh-vien-dk-quang-nam

Ngân hàng Sữa mẹ Vệ tinh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam

Địa chỉ: 01 Nguyễn Du, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam

Điện thoại liên hệ: 0235 3821 090 | Facebook

Năm khai trương: 2020

Ngân hàng Sữa mẹ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam là ngân hàng sữa mẹ vệ tinh đầu tiên trên cả nước, kết nối với Ngân hàng Sữa mẹ tại Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng
ngan-hang-sua-me-benh-vien-tu-du

Ngân hàng Sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ

Địa chỉ: Tầng trệt, Khu N, 191 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1, TP. HCM

Điện thoại liên hệ: 028 5404 4101 | Facebook

Năm khai trương: 2019

Ngân hàng Sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ là ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở khu vực phía Nam, cung cấp sữa mẹ hiến tặng thanh trùng cho trẻ ở đơn nguyên sơ sinh của Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2 và Bệnh viện Quốc tế Phương Châu Cần Thơ.
ngan-hang-sua-me-benh-vien-hung-vuong

Ngân hàng Sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương

Địa chỉ: Lầu 6, dãy E, toà nhà Bách Hợp, số 128 Hồng Bàng, phường 12, quận 10, TP. HCM

Điện thoại liên hệ: 0865 956 916 | Facebook

Năm khai trương: 2022

Ngân hàng Sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương có quy mô lớn nhất cả nước, với công suất thanh trùng đạt 62 lít sữa mẹ mỗi ngày.
ngan-hang-sua-me-benh-vien-quoc-te-phuong-chau

Ngân hàng Sữa mẹ Vệ tinh Bệnh viện Quốc tế Phương Châu

Địa chỉ: 300 Nguyễn Văn Cừ (nối dài), phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

Điện thoại liên hệ: 1900 54 54 66 | Facebook

Năm khai trương: 2020

Ngân hàng Sữa mẹ tại Bệnh viện Quốc tế Phương Châu là vệ tinh của Ngân hàng Sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ.

Đối tác và nhà tài trợ

Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ tích cực giữa Ireland và Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Chương trình phát triển song phương giữa hai nước tập trung vào hợp tác giữa các trường đại học, hỗ trợ các cộng đồng yếu thế, giáo dục về nguy cơ bom mìn và hỗ trợ nhân đạo. Cải thiện dinh dưỡng và giảm nạn đói là ưu tiên hàng đầu trong chính sách hợp tác phát triển và là một trong những nội dung hỗ trợ của Ireland dành cho Việt Nam và khu vực trong nhiều năm qua.

Với sự đồng hành bền bỉ của Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam, gần 90 cơ sở y tế tại 18 tỉnh thành trên cả nước đã cam kết cải thiện dịch vụ chăm sóc bà mẹ trẻ em để thúc đẩy nuôi con bằng sữa mẹ. Mạng lưới ngân hàng sữa mẹ tại Việt Nam cũng ra đời và phát triển nhờ nguồn hỗ trợ hào phóng từ Chính phủ Ireland, hướng tới mục tiêu cứu sống trẻ sơ sinh non yếu trong những điều kiện sức khỏe ngặt nghèo.

Website Ireland Website Ireland
logo_at
Alive & Thrive (Nuôi dưỡng & Phát triển, A&T) là một sáng kiến phi lợi nhuận nhằm cứu sống, ngăn ngừa bệnh tật hướng tới sự phát triển lành mạnh. Các hoạt động của A&T được quản lý bởi Tổ chức FHI 360 với tài trợ từ Quỹ Bill & Melinda Gates, Chính phủ Ireland, UNICEF, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ khác.

Tại khu vực Đông Á Thái Bình Dương, A&T hỗ trợ kỹ thuật cho các chính phủ và đối tác địa phương, tập trung cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ tại 8 quốc gia (Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Papua New Guinea, Philippines, Thái Lan và Việt Nam).

A&T bắt đầu các hoạt động thúc đẩy chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em tại Việt Nam từ năm 2009. Một số sáng kiến mà A&T đã, đang đồng hành và hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Y tế bao gồm: sáng kiến Bệnh viện Thực hành nuôi con bằng sữa mẹ Xuất sắc, mạng lưới ngân hàng sữa mẹ tại các cơ sở y tế, và các phòng khám Mặt Trời Bé Thơ nhằm tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ nhỏ trong 1.000 ngày đầu đời.

FHI 360 có chính sách đảm bảo an toàn cho người tham gia các hoạt động của mình, trong đó quy định các cán bộ chương trình không được phép gây hại cho người tham gia dưới bất kỳ hình thức nào. Hãy liên hệ đường dây nóng +84 28 4458 1407 khi bạn nghi ngờ có hiện tượng vi phạm xảy ra với mình hoặc với người khác. Thông tin của bạn sẽ được FHI 360 cam kết bảo mật.

Website aliveandthrive Facebook X Website Ireland Linked-In
Sữa mẹ tại các ngân hàng sữa mẹ được đảm bảo an toàn qua một quy trình nghiêm ngặt gồm các bước: Sàng lọc và thu nhận sữa mẹ thô, Xử lý sữa mẹ thô, Quản lý và sử dụng sữa mẹ thanh trùng.

Chi phí thực hiện quy trình này được tính thành giá của sữa mẹ khi cấp cho người nhận.


Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng không thể thay thế đối với trẻ sơ sinh, nhưng không phải trẻ sơ sinh nào cũng có cơ hội bú mẹ ruột. Khi trẻ sinh non, nhẹ cân hoặc có bệnh lý bẩm sinh, trẻ thường phải điều trị cách ly trong đơn nguyên sơ sinh và ít có cơ hội bú mẹ trực tiếp. Trong nhiều trường hợp, mẹ của trẻ không may qua đời, có bệnh phải điều trị, hoặc quá suy nhược sau sinh nên không thể cho trẻ bú hoặc không đủ sữa.

Hiến tặng sữa mẹ không chỉ giúp cung cấp “thức ăn đầu đời” để nuôi sống trẻ trong những hoàn cảnh ngặt nghèo này, mà còn hỗ trợ quá trình điều trị cho trẻ, giúp trẻ hồi phục tốt hơn và tránh các biến chứng sơ sinh nguy hiểm.

Để hiến tặng sữa mẹ, bạn hãy liên hệ với ngân hàng sữa mẹ gần nhất để được tư vấn và hướng dẫn quy trình chi tiết. Nếu bạn hoặc trẻ đang điều trị nội trú tại bệnh viện có ngân hàng sữa mẹ, bạn có thể tham khảo thông tin trực tiếp tại các bệnh viện này. Với các trường hợp khác, bạn có thể gọi điện thoại/nhắn tin cho trang Facebook của ngân hàng sữa mẹ gần nhất để được hướng dẫn.

Tham khảo chi tiết các bước hiến tặng cho ngân hàng sữa mẹ tại đây.

Bà mẹ đạt các tiêu chí hiến tặng sữa mẹ khi có sức khỏe tốt, không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, không dùng ma túy hoặc các chất gây nghiện khác, không mắc các bệnh truyền nhiễm, và sẵn sàng tuân thủ các yêu cầu về xét nghiệm và quy trình của ngân hàng sữa mẹ.

Để đảm bảo cung cấp sữa mẹ thanh trùng một cách an toàn nhất tới nhóm trẻ sơ sinh non yếu dễ gặp phải các biến chứng nguy hiểm, mạng lưới ngân hàng sữa mẹ cần tuân thủ một quy trình vắt trữ, thu nhận, xử lý và bảo quản theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

Do đó, sau khi bạn liên hệ để đăng ký hiến tặng, ngân hàng sữa mẹ sẽ không thu nhận sữa mẹ luôn mà sẽ tiến hành sàng lọc trước để đảm bảo bà mẹ hiến tặng có sức khỏe tốt, không sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện và không mắc bệnh truyền nhiễm.

Bạn sẽ cần cung cấp một số kết quả xét nghiệm sức khỏe đã thực hiện hoặc được ngân hàng sữa mẹ hỗ trợ xét nghiệm mới nếu cần thiết để đảm bảo đạt các tiêu chí hiến tặng.

Sau đó, ngân hàng sữa mẹ sẽ hướng dẫn bạn cách vắt, trữ sữa tại nhà sao cho đảm bảo an toàn, vệ sinh nhất, và sẽ cử cán bộ tới tận nhà để thu gom sữa hiến tặng.

Chúng tôi hiểu rằng bạn có thể gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình duy trì sữa mẹ cho em bé của mình. Song do nguồn sữa mẹ hiến tặng thanh trùng là hữu hạn, ngân hàng sữa mẹ sẽ ưu tiên nhóm trẻ sơ sinh non yếu đang điều trị nội trú tại bệnh viện. Đồng thời, việc cung cấp sữa mẹ hiến tặng thanh trùng cần có xác nhận chỉ định bởi bác sỹ điều trị. Điều này giúp đảm bảo nguồn sữa phi lợi nhuận của mạng lưới ngân hàng sữa mẹ được phân phối công bằng, tránh hiện tượng lạm dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng.

Do đó, chúng tôi rất mong nhận được sự thông cảm của bạn khi ngân hàng sữa mẹ chưa thể cung cấp sữa cho tất cả các bà mẹ hoặc gia đình ngoại trú có nhu cầu. Nếu bạn hoặc người thân đang gặp khó khăn trong việc cho trẻ bú mẹ, chúng tôi hy vọng những tài liệu hướng dẫn nuôi con bằng sữa mẹ này là một nguồn tham khảo hữu ích.

Trong trường hợp bạn mới sinh hoặc có con đang điều trị nội trú tại bệnh viện có ngân hàng sữa mẹ, hãy liên hệ với mạng lưới của chúng tôi để đăng ký sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng.

Cả ngân hàng sữa mẹ và ngân hàng sữa mẹ vệ tinh đều thuộc mạng lưới ngân hàng sữa mẹ nói chung — là điểm thu nhận sữa mẹ thô từ các bà mẹ hiến tặng và cung cấp sữa mẹ đã thanh trùng cho những trẻ có nhu cầu.

Tuy nhiên, sữa mẹ thu nhận tại các ngân hàng vệ tinh sẽ được vận chuyển về ngân hàng trung tâm để tiến hành thanh trùng chứ không được xử lý trực tiếp tại đây.

Sau khi xử lý và đảm bảo an toàn vi sinh tại ngân hàng trung tâm, sữa mẹ thanh trùng sẽ được phân phối lại cho các ngân hàng vệ tinh thông qua hệ thống vận chuyển lạnh.

Sữa mẹ hiến tặng cần được thanh trùng và bảo quản theo quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho trẻ. Điều này phát sinh các chi phí cơ sở hạ tầng, nhân sự và vật tư định kỳ, cũng như các chi phí xét nghiệm, xử lý và bảo quản sữa. Ngân hàng sữa mẹ thu phí dịch vụ nhằm chi trả cho việc thiết lập và vận hành này, tuy nhiên không vì mục đích lợi nhuận.

Hiện nay, chi phí sử dụng sữa mẹ hiến tặng thanh trùng chưa nằm trong danh mục được chi trả bởi bảo hiểm y tế. Bộ Y tế đang trình Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi lên Chính phủ, trong đó đề xuất sữa mẹ hiến tặng thanh trùng được bảo hiểm y tế chi trả. Nếu được thông qua, chính sách này sẽ tạo điều kiện để mọi trẻ em được tiếp cận với sữa mẹ, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ tử vong sơ sinh.